Kỹ thuật ướp thi hài

Y HỌC CƠ SỞ TRONG ƯỚP BẢO QUẢN THI HÀI NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA TỬ THI

BS. Nguyễn Khắc Đệ

I – Giải phẫu cơ thể người

  Người làm công tác ướp bảo quản thi hài phải có kiến thức đầy đủ về giải phẫu học. Chú ý cấu tạo của hệ tuần hoàn. Vị trí của các động mạch cần bộc lộ để bơm hoá chất ướp vào thi thể và vị trí của các tĩnh mạch để cắt tháo dẫn lưu máu ra ngoài. Thường sử dụng là động mạch cảnh và tĩnh mạch cảnh, động mạch đùi, đ/m dưới đòn, đ/m nách đ/m trụ, đ/m quay, kheo,đ/m mu chân, ống gót…Chú ý sự toàn vẹn hệ thống da của thi thể.

II- Các biến đổi của thi hài từ sau khi chết

– Một số Enzym trong cơ thể, nội tế bào còn tự do hoạt động thêm một thời gian ngắn nữa
– Hệ thống đề kháng của cơ thể ngừng làm việc, vi khuẩn nội sinh và ngoại nhập gặp môi trường thuận lợi giàu chất dinh dưỡng tự do nhân lên gấp bội.
– Tác động của các yếu tố thời tiết, nhiêt độ , độ ẩm của môi trường lên thi thể.

1. Những dấu hiệu sớm xuất hiện sau khi chết:

a, Xác lạnh
– Do sự chấm dứt quá trình chuyển hóa tế bào, ngừng oxy hóa tổ chức dẫn đến không còn nguồn nhiệt nội sinh.
– Sự tỏa nhiệt của thi thể ra môi trường xung quanh những giờ đầu giảm chừng 2oC/01 giờ, khoảng 12 giờ sau thì nguội hẳn. Ngoại trừ một vài trường hợp chết do ngộ độc mã tiền, do trực khuẩn uốn ván cơ thể còn giữ được thân nhiệt như thường một thời gian nữa.
– Ở điều kiện bình thường thân nhiệt giảm đến 25oC là chết hẳn.
– Ở điều kiện đông miên thân nhiệt có thể giảm đến -10oC vẫn duy trì được sự sống.
b, Sự mất nước
– Bốc hơi nước qua bề mặt da
– Nhãn cầu xuất hiện các vết cứng nâu đen ở hai bên giác mạc ( chết mở mắt thì giác mạc cứng khô) đồng tử giãn hoàn toàn, hốc mắt trũng do nhẵn cầu xẹp dần.
– Mũi vẹo lệch.
– Biểu bì dương vật, niêm mạc môi nhỏ bị đẩy ra ngoài.
– Da quanh lỗ mũi, vành tai, các đầu ngón tay cứng và nhăn nheo.
– Dịch vị và nước mật tràn ra miệng lúc hấp hối chảy xuống cằm có thể làm tổn thương da ở quanh miệng.
– Các cơ tròn ở tâm vị, môn vị, thanh môn, hậu môn, cơ thắt cổ bàng quang… bị mất trương lực nên các dịch có thể tự chảy ra ngoài.
c, Các vết bầm tử thi và hiện tượng ứ máu vùng thấp:
– Sau chết tim ngừng đập, máu không đông nữa chảy dần theo trọng lượng xuống các vùng thấp của nội tạng và ngoài da thi thể.
— Biểu hiện: Vết bầm tử thi màu tím tập trung thành từng dám ở thấp nó được hình thành qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn dồn máu xuống thấp xảy ra từ 3 đến 6 tiếng sau, các huyết quản ứ máu vết bầm chưa cố định khi thay đổi tư thế tử thi thì vết bầm di chuyển theo.
– Giai đoạn ứ máu xảy ra từ 12 đến 24 tiếng sau, việc ứ máu làm vỡ vi quản, máu thoát ra ngoài từ thành mạch, vết bầm cố định, thay đổi tư thế vết bầm còn lại một phần ở chỗ cũ và xuất hiện thêm những vết mới ở thấp.
– Giai đoạn thấm máu: Sau 24 tiếng hồng cầu vỡ hiện tượng thấm huyết tương mạnh, vết bầm lan rộng và cố định, không mất đi.
d, Xác co cứng: là trạng thái co cứng của các cơ vân do ứ đọng axit lactic.
Biểu hiện: Các khớp ở tư thế co chắc, xuất hiện 2 đến 3 tiếng sau khi chết, bắt đầu từ cơ hàm đến các cơ ở vùng cổ, chi trên, cơ thân mình và chi dưới. Từ 8 đến 10 tiếng sau thì toàn thân co cứng. Sự co cứng sẽ mất dần sau 2 đến 3 ngày, quá trình thối rữa xuất hiện, nếu kéo các khớp sẽ mềm và thẳng trở lại.
e, Các hiện tượng tự huỷ của tử thi:
Biểu hiện:
+ Vỡ hồng cầu.
+ Giác mạc mờ đục, nhãn cầu xẹp dần.
+ Niêm mạc dạ dày bị tiêu huỷ (do dịch vị) gây thủng cơ hoành và các tạng kế cận.
+ Hiện tượng thủng đục cơ tim, tổ chức cơ bản của thận, tử cung.

2. Các biến đổi muộn sau chết:

Biến đổi xảy ra sau một thời gian nhất định do hoạt động của vi khuẩn và các yếu rố ngoại cảnh bao gồm các hiện tượng: Thối rữa, xác đét và xác hoá sáp.Ngoài ra còn có sự phá huỷ của côn trùng, súc vật, và thú hoang…
a, Thối rữa: Sau chết sức đề kháng không còn các loại vi trùng, ký sinh trùng,nấm mốc tự do hoạt động phát triển nhân lên xâm nhập toàn bộ cơ thể gây ra hiện tượng thối rữa, thời tiết nóng ẩm làm quá trình phân huỷ diễn ra nhanh hơn.
Nhìn bên ngoài:
+ Vết màu lục ở da bụng là biểu hiện chắc chắn của chết muộn. Khí Dihydrosulfua kết hợp với hemoglobin tạo màu xanh lục. Vết lục bắt đầu từ hố chậu phải lan ra bụng , vùng cổ, mặt …

+ Hiện tượng tuần hoàn sau chết: Mạng lưới tĩnh mạch dưới da nổi rõ màu tím đen bẩn do sinh hơi thối trong lòng mạch dồn máu lên tạo thành.
+ Hiện tượng sinh hơi: Bụng chướng, bìu dái to, da căng, mắt híp, môi dày, các vết phỏng xuắt hiên trên da, bàn tay tuốt da như bít tất, da bàn chân tróc ra như đế giầy.
+ Thành bụng vỡ, sụn sườn bung ra, ngực xẹp, các cơ và cân rữa nát dần.
Phân hủy bên trong:
+ các phủ tạng mềm và xẹp lại tiêu dần chỉ riêng tim và tử cung còn lại lâu hơn.
b, Xác đét: Do khí hậu hanh, khô, độ ẩm thấp làm cho xác khô teo dần.
c, Xác hoá sáp: Do hiện tượng xà phòng hoá các mô nhất là mô mỡ gặp trong các xác ngâm lâu trong nước hoặc chôn sâu dưới đất ẩm.
Việc đánh giá tình trạng thi hài dựa trên những biến đổi sau chết giúp cho KTV định ra phương pháp ướp và sử dụng nồng độ thuốc thích hợp đảm bảo được chất lượng thi hài sau khi ướp.

III- Biến đổi của hệ tuần hoàn sau chết.

Tiếp nhận thi hài sớm, hệ tuần hoàn và da tử thi còn nguyên vẹn là điều kiện lý tưởng để bơm hoá chất ướp vào các mô của thi thể . Khi chết tim ngừng đập toàn bộ máu ngưng trệ ở hệ tĩnh mạch, lấy máu ra ngoài phải hút dẫn lưu ở những tĩnh mạch lớn.
1. Ơ giai đoạn dồn máu xuống thấp xảy ra 3 đến 6 giờ đầu, hồng cầu chưa bị vỡ, chưa hình thành cục máu đông. Ơ giai đoạn này bơm rửa máu qua hệ thống tuần hoàn là tốt nhất chỉ cần mở dẫn lưu ở những t/m nông dễ lấy, không cần giải phẫu thi thể mà kết quả tống máu ra được tối đa.
2. Giai đoạn ứ máu: Sau 6 đến 24 giờ máu ứ ở các vi mạch làm vỡ thành mạch và thoát ra ngoài. Hồng cầu cũng bị vỡ, các cục máu đông hình thành trong lòng hệ thống t/m, trong buồng tim. Các cục máu đông có đặc điểm bóng, ướt thuần nhất, dai là yếu tố cản trở việc tháo dẫn lưu máu ra ngoài. Cần pha thêm vào dịch ướp hoá chất làm tan cục máu đông .
3. Giai đoạn thấm máu: Qua 24 giờ hồng cầu tan hết, vết bầm tử thi đã cố định, máu thoát ra ngoài thành mạch tạo các vết bầm tím da. Phải bơm rửa như giai đoạn ứ máu.
Chú ý: Hệ thống tuần hoàn và sự nguyên vẹn của hệ thống da tử thi là điều kiện tối quan trọng để tiến hành ướp thi hài đạt chất lượng cao nhất. Trong trường hợp sau khi chết phải khám nghiêm tử thi, việc này làm cho hệ tuần hoàn bị cắt đứt ở nhiều nơi. khi đó phải bơm thuốc theo định khu giải phẫu. Nhất thiết phải đảm bảo mọi chỗ trên thi thể đều nhận dược thuốc ướp.

We do the best service

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *